BÉO PHÌ Ở TRẺ EM TRONG THỜI ĐẠI DỊCH - Nutifood Sweden

BÉO PHÌ Ở TRẺ EM TRONG THỜI ĐẠI DỊCH

Đăng ngày 14/12/2021

BS Nguyễn Thanh Danh

Chủ tịch Hội đồng KH Viện nghiên cứu dinh dưỡng TPHCM.

Theo ước tính từ các số liệu thống kê đến năm 2019, có hơn 150 triệu trẻ em trên thế giới bị béo phì và được dự đoán là sẽ tăng lên 206 triệu vào năm 2025[i]. Ở Việt Nam, theo kết quả tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019-2020, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng nhanh đáng báo động.

Trong hơn 10 năm (2010-2020), tăng 2,2 lần, từ 8,5% tăng lên 19%. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em có xu hướng gia tăng theo độ tuổi, từ 7% ở trẻ dưới 5 tuổi đến 19% ở trẻ 5-19 tuổi. Nếu không có hành động can thiệp hiệu quả, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9  triệu trẻ em béo phì.

Trẻ thừa cân, béo phì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất, trí não và chiều cao cũng như nhiều bệnh lý mạn tính trong tương lai.

Thế nào là thừa cân béo phì ở trẻ em?

Thừa cân, béo phì là do cơ thể tích lũy mỡ quá mức làm tăng cân, gây biến đổi về mặt vóc dáng bề ngoài và dẫn đến nhiều rối loạn bệnh lý bên trong, gây tác hại xấu đến sức khỏe, quá trình tăng chiều cao, phát triển trí não và tâm lý của đứa trẻ.

Cần nhận ra và phân biệt hai mức độ:

−       Thừa cân hay tiền béo phì: là tình trạng cân nặng vượt quá so với cân nặng chuẩn hoặc so với chiều cao.

−       Béo phì: là tình trạng cơ thể tích lũy thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chẩn đoán béo phì ở trẻ em

Có nhiều tiêu chuẩn đánh giá béo phì ở trẻ em, phổ biến là phương pháp đánh giá z-score của chỉ số khối cơ thể (BMI) theo tuổi và giới. Các bố mẹ có thể đánh giá tình trạng dinh dưỡng của con mình dễ dàng qua trang web: https://nangtamvocviet.vn/, vào mục đánh giá tình trạng dinh dưỡng để nạp các số đo của trẻ theo chỉ dẫn để xem nhanh trẻ có thừa cân béo phì hay không.

Do bệnh không cấp tính, và diễn tiến từ từ nhìn quen mắt nên nếu không được quan tâm đúng mức có thể phát hiện muộn thừa cân béo phì nên gây ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, tầm vóc, trí não và sức khỏe của trẻ.

Nguyên nhân và các yếu tố làm cho trẻ thừa cân béo phì có gì mới?

Có nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra thừa cân béo phì cho trẻ em, nhưng phần lớn là do thói quen ăn uống quá nhiều gây dư thừa năng lượng và thiếu vận động, không tiêu hủy được phần năng lượng dư thừa nên dẫn đến thừa cân, béo phì.

Trẻ em nước ta đang sống trong môi trường có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ béo phì. Trước tiên là môi trường có nhiều thực phẩm không phù hợp với sức khỏe trẻ em và quá nhiều quảng cáo thúc đẩy trẻ em tiêu thụ quá mức các thực phẩm được chế biến sẵn không lành mạnh, gồm các loại thức ăn nhanh nhiều muối và chất béo, nhiều năng lượng nhưng thiếu dinh dưỡng; các loại bánh kẹo và đồ uống đa dạng chủng loại với màu sắc, mùi vị hấp dẫn.

Mặt khác, khẩu phần ăn thiếu rau quả có chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp chuyển hóa năng lượng. Kết hợp với môi trường sống có nhiều yếu tố làm giảm hoạt động thể chất, gia tăng hành vi tĩnh tại. Điều này vừa làm tăng cân đồng thời cũng hạn chế tăng chiều cao do thiếu vận động càng làm béo phì tăng nhanh.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hiện nay cũng làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ do làm trẻ giảm hoạt động vận động thể chất, gần với thức ăn dự trữ sẵn trong nhà và ăn vặt nhiều hơn. Đặc biệt là hình thức giáo dục thay đổi, với sự nổi lên của việc học trực tuyến qua mạng Internet (E-learning) làm thời gian sử dụng thiết bị tăng lên, trẻ thường xuyên xem tivi, chơi game, FB nên ngồi nhiều một chỗ, ít vận động và ngủ không đủ giấc khiến cho các em tăng cân. Việc ngủ không đủ giấc cũng làm hạn chế tăng chiều cao do giảm tiết hormone tăng trưởng.


Béo phì thời COVID-19: Ảnh minh họa

Ngoài ra có một số yếu tố khác liên quan đến thừa cân béo phì ở nước ta như: Do quá trình đô thị hóa không đủ chuẩn về công viên, sân vận động vui chơi làm thu hẹp không gian vận động và nếp sống, học tập thay đổi làm thiếu thời gian vận động, bố mẹ không có thời gian để chế biến thức ăn, làm trẻ phải dùng nhiều thức ăn nhanh ăn vặt.

  • Độ tuổi: Béo phì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi tuy nhiên vào độ tuổi thiếu niên có nguy cơ cao hơn, đây là lứa tuổi tăng chiều cao vượt bậc cuối cùng trước khi trưởng thành.
  • Yếu tố gia đình: Bố hoặc mẹ bị béo phì: 80% trẻ béo phì nặng có một hoặc cả hai bố mẹ cùng béo phì. Cân nặng lúc sinh: Trẻ có cân nặng lúc sinh > 4 kg có nguy cơ béo phì cao hơn trẻ có cân nặng lúc sinh bình thường.

Ngoài ra còn có khoảng 10% người béo phì có nguyên nhân do bệnh lý nội tiết, chuyển hóa, di truyền và bệnh thần kinh gây ra như: suy tuyến giáp, cường năng tuyến thượng thận, thiểu năng sinh dục, hội chứng (H/C) Down, H/C Turner, H/C Cushing, buồng trứng đa nang, do bệnh về não, thiểu năng trí tuệ,…

Hoặc do tác dụng phụ gây tăng cân của một số loại thuốc như: thuốc chống trầm cảm, thuốc động kinh; thuốc hạ đường huyết,…Đặc biệt là thuốc chống viêm corticoid trong điều trị các bệnh dị ứng, miễn dịch bệnh viêm khớp, hội chứng thận hư hoặc uống thuốc đông y có trộn lẫn corticoid để điều đau nhức, chàm, dị ứng và hen.

Điều rất đáng lo ngại là việc lạm dụng corticoid để điều trị nhiễm trùng tái đi tái lại, và điều trị biếng ăn, điều trị tăng cân gây mập ảo do ứ nước. Dùng Cortioid kéo dài dẫn đến hội chứng cushing, béo bụng, mặt no tròn như mặt trăng, suy tuyến thượng thận, và tai hại nhất là gây ra chứng lùn, hạn chế sự phát triển chiều cao, trên thực tế có nhiều trẻ lùn đến 15-20 cm không thể phục hồi, khi khai thác bệnh sử có sử dụng thuốc corticoid và xét nghiệm cho kết quả suy tuyến thượng thận, cortisol máu rất thấp.

Thừa cân béo phì thường gây ra hậu quả gì?

Ngoài việc làm cho cơ thể mất cân đối, cơ thể nặng nề, chậm chạp, kém linh hoạt, dễ rối loạn cảm xúc, trầm cảm, mặc cảm, tự ti, không muốn tiếp xúc, ảnh hưởng phát triển trí não, suy giảm trí nhớ, sức khỏe kém, năng suất học tập và rèn luyện giảm sút, béo phì còn gây ra nhiều biến chứng rất đáng lo ngại cho trẻ như: Rối loạn chuyển hóa chất béo: tăng cholesterol xấu (LDL-Cholesterol), H/C chuyển hóa. Rối loạn chuyển hóa chất đường gây tăng đường huyết và sau đó là đái tháo đường tuýp 2 khi lớn lên. Vì thế phòng chống tốt bệnh béo phì cũng chính là cách thiết thực để phòng chống tích cực bệnh đái tháo đường típ 2.

Thừa cân béo phì thực tế trẻ thừa cân nặng hay đúng hơn là thừa mỡ nhưng dễ dàng thiếu các dưỡng chất thiết yếu khác cho sự phát triển toàn diện thể chất, chiều cao, trí não như vitamin, khoáng chất, sắt, kẽm, canxi,… còn làm trẻ suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Đáng chú ý là trẻ béo phì thường dậy thì sớm hơn so với trẻ bình thường, làm hạn chế phát triển chiều cao, nhất là ở các trẻ gái.

Dậy thì sớm ở trẻ gái béo phì. Ảnh minh họa

Thừa cân, béo phì ở trẻ gây ra những nguy cơ hệ lụy tiềm ẩn lâu dài với sức khỏe của trẻ khi trưởng thành. Một khi trẻ đã tăng cân quá mức thì việc giảm cân, điều chỉnh cân nặng ở trẻ rất khó khăn. Do dó, phòng ngừa thừa cân béo phì luôn là giải pháp hiệu quả an toàn hơn cả. Cha mẹ và bản thân các trẻ lớn cần biết cách theo dõi, phát hiện, kiểm soát để kịp thời điều chỉnh và duy trì chỉ số BMI tốt nhất cho trẻ.Phòng chống béo phì sao cho có hiệu quả?

Với trẻ đã thừa cân béo phì, để giảm cân hay điều chỉnh BMI thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng.

Trong và sau đại dịch COVID-19, các nỗ lực ngăn ngừa và quản lý béo phì cần có sự phối hợp của các chuyên ngành cốt lõi có liên quan một cách nhuần nhuyễn như Y Tế, Giáo dục, lương thực thực phẩm, văn hóa, truyền thông thông tin,… để thúc đẩy việc thực thi các chuẩn mực được đề ra, từ nhận thức sâu sắc các tác hại của thừa cân béo phì, cho đến sự thay đổi hành vi về cách ăn uống lành mạnh, cùng với tăng cường vận động rộng khắp trong cộng đồng để tạo ra một lối sống lành mạnh.

Béo phì gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất và trí não cũng như tránh nguy cơ gây ra các bệnh mạn tính không lây trong tương lai. Phòng bệnh luôn dễ dàng và ít tốn kém hơn chữa bệnh. Trong thời đại dịch COVID-19, các bậc phụ huynh hãy quan tâm chăm lo cho trẻ có một chế độ dinh dưỡng cân đối, đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu, cùng với chế độ vận động, học tập và rèn luyện hợp lý, ngủ đủ giấc, tạo ra một nếp sống lành mạnh để trẻ có một sức khỏe tốt, ngăn ngừa thừa cân béo phì, giúp trẻ tăng chiều cao, phát triển tầm vóc và trí não một cách tốt nhất.

Nutifood GrowPLUS+ Trắng – Phát triển chiều cao & trí não mà không thừa cân.

Nutifood GrowPLUS+ Trắng là thương hiệu thuộc Nutifood Sweden. Được nghiên cứu phát triển phù hợp với thể trạng và nhu cầu dinh dưỡng đặc thù của trẻ em Việt Nam.

Với công thức Fiber Balance độc quyền từ Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển NNRIS kết hợp cùng 29 vitamin, khoáng chất thiết yếu và DHA từ tảo tinh khiết. GrowPLUS+ Trắng giúp bé phát triển chiều cao, trí não và kiểm soát cân nặng không thừa cân.

Liên hệ ngay để được tư vấn miễn phí bởi các chuyên gia dinh dưỡng Nutifood:
☎  Hotline: (028) 38 255 777
🌐 Website: nutifoodsweden.com